top of page

Tretinoin trong trị mụn

Hello mọi người, các cậu đã click vào bài viết này thì tớ đoán chắc cậu đang còn nhiều thắc mắc khi tìm hiểu về Tretinoin để quyết định có nên hay không nên dùng thành phần này cho công cuộc trị mụn của mình đúng không?

Bài viết hôm nay tớ tổng hợp tất tật mọi thứ liên quan đến Tretinoin trong trị mụn để các cậu có cái nhìn chính xác và yên tâm khi sử dụng thành phần này nha.

1. Tretinoin là gì?



Tretinoin (Retinoic Acid) - thuộc họ Retinoids ở dạng kê đơn, hay nói các khác Tretinoin là thuốc, được sử dụng rộng rãi ở các phòng khám da liễu. Tretinoin được biết tới trước tiên về khả năng điều trị mụn được FDA tại Mỹ công nhận vào năm 1970, được kiểm duyệt đầu tiên với cái tên là Retin-A. Sau một thời gian dùng Tretinoin để điều trị mụn cho bệnh nhân thì các bác sĩ da liễu nhận ra rằng da bệnh nhân của họ có chiều hướng mềm mại, sạch mụn, căng sáng và ít dấu hiệu lão hoá hơn. Từ đó mà người ta coi đây là “phương thuốc” trị mụn, chống lão hóa có thể xử lý hầu hết các vấn đề của da.


2. Hiệu quả trị mụn của tretinoin?


Tretinoin (Retin - A) hay các dẫn xuất khác của Vitamin A như: Tazarotene (Tazorac, Avage), Adapalene (Differin) đều được ứng dụng rất nhiều trong điều trị mụn. Như tớ đã nói ở post về Retinol thì cả Re và Tre đều có khả năng có thể làm thông lỗ chân lông bị tắc, ngăn ngừa các tế bào chết bít lỗ chân lông bằng cách tăng cường tốc độ bong da chết ở lớp sừng và giảm thiểu tiết dầu. Cùng với đó thì cả hai dẫn xuất này cũng có tác dụng chống sưng tấy, kháng khuẩn nên rất hữu hiệu trong việc trị mụn.



Tuy nhiên, Retinol do còn phải trải qua quá trình chuyển hóa sang Retinoic Acid nên độ nhạy cảm khi các cậu sử dụng Re đã giảm xuống, còn bản thân Tretinoin chính là Retinoic Acid rồi nên không cần chuyển hóa. Theo nhiều nghiên cứu thì “Tretinoin mạnh gấp 20 lần Retinol”. Cũng chính bởi vậy mà Retinol không cần kê đơn và được đưa vào sử dụng trong mỹ phẩm nhiều hơn. Còn Tre thì thường ở dưới dạng kê đơn, phải có đơn của bác sĩ mới có thể mua và sử dụng, các cậu ít thấy xuất hiện ở trong các món skincare hàng ngày.


3. Lưu ý khi sử dụng Tretinoin



#1: Có thể gây tác dụng phụ


Người ta thường nói: “Lắm tài nhiều tật” quả thật không sai, tuy mang lại lợi ích cho da, cơ mà Tretinoin không phải một thành phần dễ sử dụng, bởi lẽ nó gây ra khá nhiều các tác dụng phụ không mong muốn, điển hình:

  • Nóng rát, ngứa, thậm chí là bỏng da

  • Da bong tróc, mẩn đỏ

  • Da khô hơn

Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp tác dụng phụ khi sử dụng Tretinoin, các cậu đừng lo sợ mà tránh xa thành phần xịn xò này nhớ.


#2: Luôn sử dụng từ nồng độ thấp đến cao


Dĩ nhiên rồi, không riêng gì Tretinoin mà tất cả các Active Ingredient: BHA, AHA, Vitamin C,... mọi người đều nên bắt đầu với các sản phẩm có nồng độ thấp trước để giúp da thích nghi dần với thành phần, hạn chế tối đa tình trạng kích ứng.


#3: Cần kiên trì


Tretinoin sẽ có hiệu quả sau 6 tuần sử dụng, và rõ ràng nhất là sau khoảng 12 tháng sử dụng liên tục. Do đó, cần lắm sự kiên trì của mọi người để em ấy có thời gian phát huy được tác dụng tuyệt vời với da, đừng vì các tác dụng phụ kể trên mà ngao ngán rùi xa lánh em ấy nhé.


#4: Không dùng trong trường hợp đang mang bầu hoặc đang cho con bú


Tretinoin nói riêng và các dẫn xuất khác của Retinoids (Vitamin A) nói chung là các thành phần FDA khuyến cáo chị em đang mang bầu hoặc trong thời kỳ cho con bú cần tránh sử dụng bởi nó có thể gây độc hại tới em bé.


#5: Luôn dùng kem chống nắng


Lại là bài ca kem chống nắng, khi các cậu sử dụng bất cứ hoạt chất nào, kể cả Retinol, Tretinoin hay Vitamin C,... thì việc dùng kem chống nắng bảo vệ da là điều hiển nhiên không thể bàn cãi. Lý do thì tớ cũng nói ở post 5 sai lầm về Retinol rồi, nếu chưa đọc mọi người có thể click vào đây nha.


4. Hướng dẫn sử dụng



  • Cách 1: Dùng trần

Điều đầu tiên là mọi người phải làm sạch da tốt trước khi skincare, tốt nhất là nên double cleansing để da sạch nhất có thể nhé. Sau khi làm sạch, các cậu dùng bông tẩy trang hoặc khăn sạch thấm hết nước trên da và sử dụng Tretinoin trên nền da khô, không còn ướt. Rồi mọi người có thể đi ngủ luôn mà không cần thoa thêm bất cứ sản phẩm nào.


  • Cách 2: Kết hợp với cách thành phần làm dịu da

Phương pháp trên được cho là sẽ giúp Tretinoin có hiệu quả tốt nhất. Cơ mà tớ biết nhiều bạn không thể sử dụng được bởi Tretinoin là thành phần khá mạnh. Bởi vậy, tớ và có thể nhiều bạn khác không thể sử dụng “trần” nên tớ luôn thêm vào routine của mình các sản phẩm làm dịu da, dưỡng ẩm: HA, Panthenol, chiết xuất hoa cúc, Centella,... để giảm sự kích ứng của Tre, dù biết có thể sẽ làm giảm tác dụng của sản phẩm.

Gợi ý một số cặp sản phẩm:

Tức là các cậu có thể sử dụng cách ngày, 1 tuần chỉ dùng Tretinoin khoảng 2-3 lần, các ngày còn lại skincare bình thường, chú trọng sử dụng các sản phẩm có khả năng cấp ẩm và phục hồi da.


5. Thắc mắc liên quan đến sử dụng tretinoin



#1: Tretinoin có trị mụn nội tiết được không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Mụn nội tiết do nội tiết tố bên trong cơ thể hình thành, bởi vậy Tretinoin không can thiệp được vào vấn đề này. Với mụn nội tiết các cậu nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ da liễu để được điều trị theo đường ăn uống nha.


#2: Mất bao lâu Tretinoin mới có tác dụng?

Như tớ đã nói ở trên thì mất ít nhất là 6 - 12 tuần sử dụng liên tục và kiên trì, các cậu sẽ thấy da có cải thiện và sự thay đổi đáng kể.


#3: Hết mụn có cần dùng Tretinoin nữa không?

Nếu có thể thì các cậu nên sử dụng Tretinoin lâu dài, thậm chí là dùng cả đời, kể cả khi da đã hết mụn. Bởi ngoài khả năng trị mụn đỉnh cao thì Tre còn là một thành phần chống oxy hóa mạnh bậc nhất nữa.


#4: Làm thế nào để giảm được sự bong tróc, mẩn đỏ?

Các cậu có thể mix với kem dưỡng có thành phần phục hồi, làm dịu da: B5, Centella,... để giảm kích ứng, tớ có gợi ý một vài cặp ở trên rùi đó nha.


#5: Đang bị mụn nhưng có ý định mang thai hoặc đang mang thai, trong thời kỳ cho con bú thì có nên dùng Tretinoin hay không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Chúng mình có rất nhiều giải pháp để trị mụn chứ không nhất thiết phải là Tretinoin. Bầu bí chúng mình nên đổi sang các thành phần trị mụn an toàn hơn như: Benzoyl Peroxide, BHA ở nồng độ thấp (<1%), Glycolic Acid, Lactic Acid, Azelaic Acid,....Topic dành cho mẹ bầu tớ sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhé.


Phù, hi vọng bài hôm nay đã không làm các cậu thấy quá tải, tớ đã tổng hợp kha khá các thông tin xung quanh Tretinoin dành cho các bạn chuẩn bị và mới bắt đầu dùng thành phần này rùi đó. Hi vọng các cậu thấy có ích nha.


Yêu thương,

Quin



---------

Nguồn tham khảo: - Youtube Dr.Dray: https://youtu.be/_-y6OmKziy0

- Healthline website: https://www.healthline.com/health/tretinoin-for-acne#overview

194 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page